Mục Lục
Dù chưa rõ nguyên nhân nhưng đái tháo đường thai kỳ xảy ra ở hàng triệu phụ nữ. Việc theo dõi đường huyết thai kỳ thường xuyên sẽ giúp tránh khỏi các vấn đề sức khỏe do tình trạng này gây ra [1], [4].
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao do cơ thể không sản xuất đủ insulin – hormone giúp kiểm soát đường huyết – để đáp ứng nhu cầu trong thời gian mang thai. Tình trạng này có thể gặp ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ nhưng thường gặp nhiều hơn vào tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 [2].
Dù có thể tự khỏi nhưng đái tháo đường thai kỳ vẫn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thời gian mang thai và sau sinh. Tuy nhiên, nguy cơ gặp phải những vấn đề sức khỏe này có thể giảm nếu đái tháo đường thai kỳ được phát hiện sớm và kiểm soát tốt [2].
Dấu hiệu nhận biết đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ thường không biểu hiện triệu chứng. Hầu hết trường hợp thai phụ phát hiện mình mắc phải tình trạng này khi tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, nếu lượng đường trong máu quá cao, phụ nữ mang thai có thể có những triệu chứng như: [2]
● Tăng cảm giác khát nước
● Đi tiểu nhiều hơn bình thường
● Khô miệng
● Mệt mỏi
Dù vậy, một vài triệu chứng trên cũng khá thường gặp khi mang thai và không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ. Nếu cảm thấy lo lắng về bất kỳ triệu chứng nào, hãy đến gặp chuyên gia y tế để được thăm khám [2].
Tầm soát đái tháo đường thai kỳ được thực hiện như thế nào?
Phụ nữ mang thai được khuyến cáo tầm soát đái tháo đường thai kỳ ở tuần thứ 24 – 28 với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, thường mất khoảng 2 tiếng đồng hồ để hoàn thành [3].
Trước khi làm nghiệm pháp, bạn sẽ cần nhịn đói từ 8 – 12 tiếng. Đầu tiên, bạn sẽ được lấy máu lúc đói, tiếp theo, bạn sẽ uống ly nước đường đã được nhóm nghiên cứu chuẩn bị sẵn trong 5 phút. Sau đó, bạn sẽ được tiếp tục lấy máu ở 2 thời điểm là 1 giờ và 2 giờ sau khi uống nước đường. Nếu có từ 1 giá trị lớn hơn hay bằng các mức sau đây, bạn sẽ được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ [3]:
● Đói: ≥ 92 mg/dL hoặc ≥ 5,1 mmol/l
● 1 giờ: ≥ 180mg/dL hoặc ≥ 10mmol/l
● 2 giờ: ≥ 153mg/dL hoặc ≥ 8,5 mmol/l
Nếu đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ trước đây, bạn có thể được đề nghị làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống khi mang thai ở giai đoạn sớm hơn [2].
Nếu mắc đái tháo đường thai kỳ, bạn cần làm gì?
Điều cấp thiết khi mắc đái tháo đường thai kỳ là phải can thiệp nhanh chóng nếu không tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Mục tiêu chính là giữ cho mức đường huyết trong thai kỳ nằm ở mức bình thường [4].
Thăm khám thường xuyên
Bạn cần trao đổi với chuyên gia y tế để xem tần suất đi khám bao nhiêu là phù hợp để kịp thời phát hiện các bất thường và phòng ngừa từ sớm [5]. Ngoài ra, dù đái tháo đường thai kỳ có thể tự khỏi sau sinh nhưng bạn vẫn phải làm xét nghiệm dung nạp glucose theo dõi từ 6 đến 12 tuần sau sinh [1].
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
Bạn cũng cần trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn phù hợp khi bị đái tháo đường thai kỳ. Đồng thời, chú ý đến những thực phẩm bạn ăn để kiểm soát được mức đường huyết thai kỳ [5].
Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ khi muốn bổ sung thêm các dưỡng chất cần chú ý lựa chọn sản phẩm phù hợp. Bạn có thể tìm kiếm các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người mắc đái tháo đường. Những sản phẩm này sẽ được thiết kế khoa học với hệ bột đường tiên tiên có chỉ số đường huyết thấp và được tiêu hóa từ từ, bổ sung myo-inositol giúp hỗ trợ ổn định đường huyết. Ngoài ra, các sản phẩm này còn có công thức đầy đủ và cân đối, tăng cường vi chất dinh dưỡng giúp cơ thể khỏe mạnh, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, cùng hỗn hợp chất béo tốt cho tim mạch như acid béo không no một nối đôi (MUFA) và acid béo không no nhiều nối đôi (PUFA).
Đồng thời, việc vận động cũng giúp giữ đường huyết trong tầm kiểm soát. Bạn có thể tập thể dục vừa phải, thường xuyên trước, trong và sau khi mang thai [5].
Dùng thuốc khi được yêu cầu
Nếu cần thiết, bạn cũng sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp để kiểm soát đái tháo đường thai kỳ. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần nghe theo lời khuyên của chuyên gia y tế [5].
Theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên
Lượng đường trong máu có thể thay đổi rất nhanh trong quá trình mang thai. Do đó, bạn cần kiểm tra đường huyết thai kỳ thường xuyên theo đề nghị từ chuyên gia y tế hoặc bất kỳ khi nào có triệu chứng nghi ngờ. Ngoài ra, việc này cũng giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện để kiểm soát đường huyết tốt hơn [5].
Dù đái tháo đường thai kỳ có thể chỉ là tạm thời nhưng nó vẫn có thể gây ra nhiều vấn đề cho cả mẹ lẫn bé trong suốt thời gian mang thai và sau sinh. Do đó, nếu gặp phải tình trạng này, mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động phù hợp và dùng thuốc theo chỉ định. Đồng thời, theo dõi và kiểm soát chỉ số đường huyết thai kỳ để giảm bớt nguy cơ gặp phải biến chứng. [2]
Phòng khám tiểu đường Thủ Đức
Giờ làm việc từ sáng 6h-7h và chiều 17h-19h; Chiều CN, Lễ: Nghỉ.
Địa chỉ: 84 Đường Số 6 - KP.4 - P.Tam Phú - Q.Thủ Đức.
Điện thoại: 0975821783
Email: hoangsinh1987@gmail.com
Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ bạn. Sự hài lòng của bệnh nhân là giá trị cốt lõi để phòng khám không ngừng cải thiện và phát triển chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, uy tín hơn.